Kỹ niệm 30 năm thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Trong quá trình tồn tại và phát triển gần 2.000 năm trên đất nước Việt Nam thân yêu, Phật giáo Việt Nam đã sớm hài hòa, gắn bó với dân tộc xuyên suốt dòng lịch sử truyền bá tư tưởng giáo lý của đạo Phật. Đặc biệt, trong những giai đoạn thăng trầm của dân tộc, Phật giáo Việt Nam đều tích cực đóng góp công sức, chống lại các thế lực của ngoại bang để đem lại an lạc, hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam.
Trong từng thời kỳ lịch sử dân tộc, danh xưng của Giáo hội dù có khác nhau, nhưng sự nghiệp chủ yếu của Phật giáo Việt Nam vẫn là hoằng dương chánh pháp, lợi lạc quần sanh. Vì thế, trong những thập niên trước năm 1975, Phật giáo Việt Nam tuy đã có tổ chức và thực hiện các cuộc vận động thống nhất Phật giáo, nhưng nhìn chung chưa có cuộc vận động nào mang được trọn vẹn ý nghĩa của nó trước khi ra đời như Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay. Một phần do âm mưu chia để trị của chính quyền Thực dân cũ và mới trước kia trong mọi lĩnh vực, một phần do hoàn cảnh khách quan của đất nước còn bị chia cắt, một phần do những dị đồng chưa thể hóa giải để các đệ tử Phật cùng chung chăm lo Phật sự. Vì vậy, các tổ chức Phật giáo trước đây tại Việt Nam chưa hội đủ các yếu tố để hợp thành một khối thống nhất đúng ý nghĩa, kế thừa và phát huy truyền thống đoàn kết hòa hợp, yêu nước của toàn thể Tăng Ni, Phật tử Việt Nam.
Sau ngày 30/04/1975, hòa bình lập lại, đất nước thống nhất, giang san nối liền một cõi, Bắc Nam sum họp một nhà. Đất nước thống nhất là yếu tố hết sức mãnh liệt và là bối cảnh vô cùng thuận lợi, là động lực để chư Tôn Giáo phẩm, Tăng Ni, Phật tử các tổ chức Giáo hội, Hệ phái thực hiện nguyện vọng, tâm huyết thống nhất Phật giáo mà các thế hệ Tiền bối đã dày công tạo dựng. Đây chính là duyên khởi của sự thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Để thực hiện nguyện vọng, tâm huyết thống nhất Phật giáo của chư Tôn Giáo phẩm, Tăng Ni, Phật tử các tổ chức Giáo hội, Hệ phái cả nước, Đại hội Đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam đã được tổ chức từ ngày 04 đến ngày 07/11/1981 tại chùa Quán Sứ – Thủ đô Hà Nội. Đại hội quy tụ 09 tổ chức Giáo hội, Hệ phái Phật giáo trong cả nước:
- Hội thống nhất Phật giáo Việt Nam.
- Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
- Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam.
- Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước Tp. Hồ Chí Minh.
- Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam.
- Giáo hội Phật giáo Thiên Thai Giáo Quán.
- Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam.
- Hội Sư sãi Yêu nước miền Tây Nam bộ.
- Hội Phật học Nam Việt.
Kể từ đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời, đại diện cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước để thực hiện mọi hoạt động Phật sự theo hướng đi lên của thời đại, đến nay đã tròn 30 năm, trải qua 06 nhiệm kỳ.
+ Nhiệm kỳ I là thời kỳ xây dựng và củng cố cơ sở với 50 thành viên HĐCM, 50 thành viên Hội đồng Trị sự, thành lập 28 Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh, Thành hội, 06 Ban Ngành hoạt động.
+ Nhiệm kỳ II là giai đoạn phát triển các mặt hoạt động theo chương trình nội dung 6 điểm của Giáo hội trong thời kỳ đổi mới của xã hội và đất nước, với 60 thành viên HĐCM, 60 thành viên Hội đồng Trị sự, thành lập được 33 đơn vị Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh, Thành hội và 08 Ban Ngành hoạt động.
+ Nhiệm kỳ III là giai đoạn tiếp tục phát triển một cách toàn diện và hoàn chỉnh các mặt hoạt động của 10 Ban Ngành, Viện từ Trung ương đến địa phương trong thời kỳ tiếp tục đổi mới và mở cửa của đất nước, tiến tới mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, thành lập 41 đơn vị Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh, Thành hội, với 75 thành viên HĐCM, 70 thành viên Hội đồng Trị sự.
+ Nhiệm kỳ IV thành lập 45 đơn vị Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo, với 65 thành viên HĐCM, 95 thành viên HĐTS. Đây là nhiệm kỳ tổng kết những thành quả của Giáo hội trong những năm cuối của thế kỷ 20 để vững vàng bước sang thế kỷ 21.
+ Nhiệm kỳ V là nhiệm kỳ đầu của thế kỷ 21, với 52 đơn vị Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo, 85 thành viên Hội đồng Chứng minh, 95 thành viên Hội đồng Trị sự chính thức và 24 thành viên Hội đồng Trị sự dự khuyết.
+ Nhiệm kỳ VI, kiện toàn cơ chế tổ chức, triển khai nội dung hạt động theo tinh thần Hiến chương đã tu chỉnh, gồm 03 cấp hành chánh Giáo hội, với 58 đơn vị Tỉnh, Thành hội Phật giáo, 97 thành viên HĐCM, 147 thành viên HĐTS chính thức và 48 thành viên dự khuyết HĐTS. Trong nhiệm kỳ này, Giáo hội đã công nhận 06 Hội Phật tử Việt Nam tại các nước Châu Âu như: Cộng hòa Liên Bang Nga, Đức, Séc, Hungary, Ba Lan và Ucraina.
Qua 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, bằng những thuận lợi khách quan và chủ quan, qua các Nghị định 267, 26 của Chính phủ, nhất là Pháp lệnh Tín ngưỡng Tôn giáo đã được Thường vụ Quốc hội thông qua, Chủ tịch nước ký sắc lệnh công bố ngày 29.6.2004, Nghị định số 22/2005/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 01.3.2005 đã làm cơ sở cho hoạt động tôn giáo nói chung thêm thuận lợi và đạt kết quả hữu hiệu.
Qua đó, từng thành viên của Ban thường trực, Hội đồng Trị sự, các Ban, Viện Trung ương Giáo hội, các Tỉnh, Thành hội Phật giáo, Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước tích cực hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ của mình, đạt được những thành quả khả quan từ phạm vi xây dựng và củng cố cơ sở Trung ương, địa phương cho đến hoạt động chuyên ngành như Tăng sự, Giáo dục Tăng Ni, Hướng dẫn Phật tử, Hoằng pháp, Nghi lễ, Văn hóa, Kinh tế Tài chánh, Phật giáo quốc tế, Từ thiện xã hội, Nghiên cứu Phật học, làm cơ sở tổng kết công tác hoạt động Phật sự 30 năm qua của Giáo hội một cách phong phú và khởi sắc. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động vẫn còn những khó khăn, hạn chế và tồn đọng không sao tránh khỏi mà trong phần nhận xét đánh giá của bản báo cáo sẽ trình bày.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam qua 30 năm thành lập và phát triển, với tinh thần đoàn kết hòa hợp của Tăng Ni, Phật tử Việt Nam đã góp phần xây dựng và tăng cường các mục tiêu, tôn chỉ đúng đắn mà GHPGVN đã đề ra trong Hiến chương Giáo hội kể từ ngày thành lập. Những thành quả đạt được trong thời gian qua là do sự chung tay, góp sức nhất tâm đoàn kết của Tăng Ni, Phật tử không phân biệt tổ chức, hệ phái. Bộ máy lãnh đạo Phật giáo ngày càng được hoàn thiện, củng cố và mở rộng nhân sự, thể hiện trọn vẹn các nguyên tắc thống nhất đã đề ra. Chính vì thế những thành quả mà Giáo hội đạt được đã khẳng định một ưu điểm lớn, quyết định sự phát triển của GHPGVN, đó là tính đoàn kết hòa hợp cao độ, xem trọng sự nghiệp chung vì Đạo pháp và Dân tộc.
Hơn nữa truyền thống yêu nước, gắn bó với nhân dân, Tăng Ni cũng như Phật tử đã tiếp nối truyền thống của các bậc tiền bối, Tổ sư, tích cực tham gia vào sự nghiệp bảo vệ xây dựng tổ quốc thân yêu. Trong mọi lãnh vực của đời sống, chính trị, kinh tế, giáo dục, văn hóa xã hội, quốc phòng …. đều có bóng dáng của Tăng Ni, Phật tử, trong số đó không hiếm những cống hiến xuất sắc cho tổ quốc nhân dân, rất xứng đáng với truyền thống yêu nước, hộ quốc an dân của các bậc tiền bối trong chiều dài lịch sử 2000 năm của Phật giáo Việt Nam.
Thành quả tốt đẹp của những hoạt động phụng đạo yêu nước của Phật giáo đã góp phần không nhỏ vào việc ổn định xã hội, xây dựng kinh tế đồng thời khẳng định niềm tin của Phật giáo Việt Nam vào chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Một niềm tin đã được khai nguồn bởi các bậc chân tu yêu nước tiền bối trong giai đoạn Cách mạng Việt Nam vừa mới ra đời đã được tôi luyện qua 2 cuộc chiến tranh giữ nước, và đã được thử thách trong hoàn cảnh khó khăn chung của đất nước sau ngày chấm dứt chiến tranh và trong thời bình. Đây là một niềm tin sáng suốt, rất đáng tự hào bởi vì nó xuất phát từ lòng yêu nước, thấm nhuần tư tưởng từ bi và trí tuệ của Đạo Phật.
Mặt khác tinh thần “Khế lý, Khế cơ” của Giáo lý Đức Phật cũng là một trong những yếu tố quan trọng hướng dẫn chúng ta trong sự thành lập và điều hành của Giáo hội. Tinh thần “Khế lý” dạy chúng ta phải nắm vững chân lý, quy luật muôn đời của vũ trụ và nhân sinh. Tinh thần “Khế cơ” dạy chúng ta phải biết vận dụng chân lý ấy cho thích hợp với tâm lý, căn cơ, hoàn cảnh thời đại phát triển của đất nước Việt Nam.
Tiếp nối tinh thần đoàn kết hòa hợp trong lòng dân tộc và sự lãnh đạo sáng suốt có kỷ cương của Giáo hội, cùng sự tích cực phục vụ Đạo pháp của tất cả Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước, cũng như sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng lãnh đạo Trung ương, Tỉnh, Thành và địa phương, Giáo hội chúng ta tiếp tục phát huy những thành quả, các tiền đề đã đạt được và thực hiện hữu hiệu lý tưởng bảo vệ Đạo pháp và Dân tộc, kết thành những bông hoa tươi thắm trong tinh thần đoàn kết hòa hợp của người con Phật, để chào mừng Đại hội Phật giáo các Tỉnh, Thành và Đại hội Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ VII của Giáo hội Phật giáo Việt Nam – nhiệm kỳ của thế kỷ của hòa bình, thịnh vượng và phát triển toàn cầu./.
Tham khảo nguoiphattu